Trong phần trước, chúng ta đã tìm hiểu 6 trên tổng số 12 mạng xã hội tốt nhất dành cho Artist và Designer. Tiếp tục cùng Green Academy khám phá 6 cái tên còn lại bạn nhé!
Ra đời vào năm 2000, DeviantArt bị đánh giá là mạng xã hội nghiệp dư hơn rất nhiều so với ArtStation. Và mặc dù những thành quả mà nền tảng mạng xã hội này mang lại không quá lớn, bạn vẫn có thể sử dụng nó để giới thiệu những sản phẩm của mình đến những đồng nghiệp và người yêu thích sáng tạo.
Trong quá trình phát triển của mình, DeviantArt đã chứng kiến sự tham gia rồi lại rời đi của nhiều Artist và Designer, trong đó có Họa sĩ minh họa Katy L Wood. “DeviantArt là nền tảng mạng xã hội đầu tiên tôi tham gia, khi đó, tôi chỉ là một thiếu niên. Đó là một phần trong quá trình trưởng thành của tôi với tư cách là một họa sĩ. DeviantArt có tất cả những nguồn tài nguyên miễn phí cùng một cộng đồng tuyệt vời”. Tuy nhiên, Katy đã có một thời gian rời khỏi mạng xã hội này khi cộng đồng Artist ở đây không còn mang lại cho Katy nhiều cảm hứng.
Tuy vậy, từ cuối năm ngoái, DeviantArt đã có một sự thay đổi đổi ngoạn mục trên phương diện tái thương hiệu. Nhờ sự thay đổi này, nhiều thành viên đã lựa chọn quay lại sử dụng nền tảng mạng xã hội này. Đơn giản, không bị chi phối quá nhiều bởi thuật toán, thường xuyên tổ chức và hỗ trợ nhiều loại hình sáng tạo… là những điểm mới giúp thu hút sự trở lại của các thành viên cũ.
Ra mắt vào năm 2014, The Dots đưa ra sứ mệnh trở thành một nền tảng mạng xã hội “LinkedIn dành cho dân sáng tạo”. Và trên thực tế, The Dots đã khá thành công với mục tiêu này. Nhiều công ty hàng đầu như Google, Burberry, Sony Pictures, Viacom, M&C Saatchi, Warner Music, Tate, Discovery Networks và VICE đã và đang sử dụng The Dots như một công cụ tuyển dụng chuyên nghiệp.
Bên cạnh vai trò là một cầu nối việc làm, The Dots còn cung cấp cho người dùng khá nhiều thứ hay ho. Đó là những công cụ giúp kết nối với cộng đồng sáng tạo, phản hồi yêu cầu cộng tác, cập nhật các sự kiện mới nhất… Đặc biệt, có một điểm mà nhiều Artist và Designer thích thú ở The Dots chính là giao diện được thiết kế đẹp mắt.
Hiện tại, thay vì chỉ tập trung chuyên biệt vào The Dots, hầu hết những nhà sáng tạo đều sử dụng kết hợp nhiều nền tảng mạng xã hội với nhau. “Tôi sẽ đăng những tác phẩm của mình ở bất kỳ đâu có thể giúp tôi quảng bá nó, bao gồm cả The Dots, Behance, Dribbble và Creativepool”, Joanna Kosinska – một nhà thiết kế đồ họa kiêm nhiếp ảnh gia đang hoạt động ở Yorkshire cho hay.
Ra mắt vào năm 2009, Dribbble là nền tảng mạng xã hội được sáng lập bởi Dan Cederholm và Rich Thornett. Ngay từ đầu, hai nhà sáng lập Dribbble đã không định danh mạng xã hội này chỉ dừng lại ở vai trò một trang web đăng các Portfolio như Behance. Có lẽ nhờ vậy mà Dribbble đã vượt ra khỏi ranh giới một trang mạng xã hội chuyên về thiết kế web và ứng dụng di động. Ngày nay, Dribbble là vùng đất nuôi dưỡng các hoạt động thiết kế biểu tượng, thương hiệu, diễn hoạt, Prototype, minh họa, đồ họa…
Dribbble thường chỉ cho phép chia sẻ những bức ảnh có độ phân giải nhỏ với những chi tiết được ghi chú cẩn thận thay vì tập trung chia sẻ những tác phẩm đồ sộ với độ phân giải tối đa. Chính vì thế, nhiều nhà sáng tạo đánh giá “Dribbble gần giống một cộng đồng hơn là một trang web portfolio” (Nhà thiết kế Jack Harner).
Tất nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc Dribbble chỉ là nơi cộng đồng thiết kế chia sẻ những sản phẩm của mình. Trên thực tế, nền tảng mạng xã hội này đang là một trong những công cụ của nhiều gã khổng lồ như Apple, Airbnb, Facebook, Google, Dropbox, Slack…
Bên cạnh giới họa sĩ và dân thiết kế, Dribbble còn là nơi các công ty đăng tải những hình ảnh nhằm minh họa về sản phẩm, dịch vụ của mình. Bên cạnh đó, Dribbble là nơi đăng tải những tác phẩm không thuộc danh mục nghề nghiệp chính của nhiều Artist và Designer.
Behance là cái tên mạng xã hội khá quen thuộc đối với cộng đồng họa sĩ và thiết kế. Được sáng lập vào tháng 11/2005 bởi Matias Corea và Scott Belsky. Đến năm 2012, Behance được Adobe mua lại. Từ đó, phạm vi hoạt động của Behance được mở rộng nhanh chóng.
Không giống như Dribbble hoặc Instagram, Behance cho phép người dùng đăng cùng lúc nhiều sản phẩm. “Behance là một công cụ tuyệt vời để chia sẻ hậu trường hoặc quá trình chế tác. Từ đó, bạn có thể cung cấp cho mọi người cái nhìn đầy đủ hơn về những dự án của mình” - Jesus Suarez, một nhà thiết kế chuyển động nhận xét.
Việc chia sẻ những hình ảnh này lên Behance gần giống với cách mà bạn chia sẻ lên website của mình. Tuy nhiên, cộng đồng rộng lớn của Behance có thể giúp bạn thu hút được nhiều khách hàng tiềm năng cùng những người có cùng sở thích hay đồng nghiệp.
Tim Easley – một nhiếp ảnh gia và là họa sĩ vẽ minh họa cho biết: “Tôi đăng các dự án của mình lên Behance song song với trang web cá nhân. Bởi vì tôi nhận thấy có rất nhiều cơ hội để giới thiệu những tác phẩm của mình đến mọi người trên mạng xã hội này”.
Với sự phát triển của mạng xã hội Dayflash, tình yêu với Instagram của một số Artist và Designer dần suy giảm. Tuy vậy, Instagram vẫn là nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất hiện nay. Vậy nên, với cộng đồng sáng tạo, chia sẻ hình ảnh sản phẩm lên Instagram vẫn là một trong những hành động bắt buộc.
“Behance là mạng xã hội tuyệt vời để chia sẻ tác phẩm và tìm kiếm những dự án việc làm. Tuy nhiên, tôi vẫn duy trì việc sử dụng Instagram”, George Kofi Prah – một Designer tại Mỹ cho biết. Theo George, “Instagram cho phép tiếp cận nhiều đối tượng hơn bất kỳ một nền tảng mạng xã hội nào khác. Sử dụng thẻ bắt đầu bằng ký tự “#” giúp việc khám phá và tìm kiếm những điều mới mẻ trở nên dễ dàng và thú vị hơn.
Đơn giản, dễ sử dụng là một yếu tố quan trọng khiến Artist và Designer vẫn ưu tiên sử dụng Instagram. “Tôi sử dụng Instagram, tiếp theo là The Dots, bởi những nền tảng này khá dễ sử dụng. Behance thì có quá nhiều trường cần phải điền mỗi lần đăng bài” – họa sĩ Murugiah ở Wales cho biết.
Nhiều công ty sáng tạo cũng ưu tiên sử dụng Instagram vì nhiều họa sĩ, nhà thiết kế và khách hàng đều có tài khoản trên mạng xã hội này. Ngoài ra, việc đăng tải những hình trên Instagram của các công ty cũng là một cách thu hút sự chú ý của Artist và Designer. Đây cũng là cách dễ dàng chia sẻ thông tin đến khách hàng mà không gặp bất kỳ sự bất tiện nào liên quan đến vấn đề lên lịch hay định dạng bài đăng”.
LinkedIn là một cái tên quen thuộc của cộng đồng các nhà tuyển dụng. Vậy nên, có lẽ bạn sẽ rất ngạc nhiên khi LinkedIn lại có tên trong danh sách 12 mạng xã hội tốt nhất dành cho Artist và Designer. Tuy vậy, suy cho cùng thì nghệ thuật, thiết kế hay làm phim đều là những lĩnh vực kinh doanh giống như những ngành kinh doanh khác và họ cũng phải tận dụng các nền tảng xã hội để quảng bá cho hoạt động của mình.
Frank Suyker, một giám đốc nghệ thuật tại Hà Lan cho biết: “bằng cách đăng các bài blog của mình lên LinkedIn, khi có các dự án cần hoàn thành, khách hàng sẽ tìm đến tôi”.
Laundry gần đây cũng đã chuyển hướng sang LinkedIn bởi những tiện lợi mà mạng xã hội này mang lại: “Facebook từng là một nơi tuyệt vời để chia sẻ công việc. Tuy nhiên, giờ đây mạng xã hội này quá lộn xộn với các bài đăng không tập trung vào thiết kế và các bài quảng cáo”. Ngược lại, bản chất của LinkedIn lại phù hợp để biến mạng xã hội này trở thành một diễn đàn giúp chia sẻ nội dung thiết kế, diễn hoạt, hậu trường…và thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng.”
Nguồn ảnh và bài: Creative Bloq
New Paragraph
MỌI NGƯỜI ĐANG QUAN TÂM
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Chi Nhánh 3:
Số 201 Trường Chinh, Phường Khương Mai, Quận Thanh Xuân, Tp.Hà Nội