10 TIPS GIÚP DEVELOPER FIX BUG HIỆU QUẢ
Không có bug trong quá trình viết code dường như đã trở thành một điều phi thực tế trong quá trình làm việc của Developer. Nếu nhìn ở mặt tích cực hơn, bug cũng là một phần giúp Developer trưởng thành trên con đường sự nghiệp. Tuy nhiên, lập trình viên chỉ thật sự học hỏi được từ bug nếu có phương pháp fix bug hiệu quả. Vậy thì sao chúng ta không tham khảo ngay 10 tips hay ho giúp Developer fix bug hiệu quả đã được Better Programming bật mí nhỉ!
1. Tái hiện lại bug
Việc xuất hiện bug trong code có thể làm Developer hơi khó chịu. Tuy nhiên, điều tồi tệ hơn lại nằm ở chỗ bug này không được tái hiện lại một cách đáng tin cậy, nhất là trong những dự án lớn, nơi mà các dòng code được viết khá phức tạp.
Trên thực tế, chỉ khi được tái hiện lại bug một cách chính xác, mọi người mới có thể đưa ra những lời khuyên hữu ích giúp bạn giải quyết vấn đề.
Bạn có thể hình dung việc tái hiện bug cũng giống quá trình bệnh nhân kể cho bác sĩ về những triệu chứng mà mình gặp phải. Bệnh nhân mô tả càng chính xác, bác sĩ càng dễ chẩn đoán bệnh và đánh giá tình trạng diễn tiến.
2. Đánh giá và xác định vấn đề
Ngoài bước tái hiện bug, chúng ta cũng nên đánh giá bug để tìm ra phần nào có vấn đề. Điều này thường không quá khó khăn với các Developer thường xuyên làm việc với codebase.
Trong quá trình xác định vấn đề, một tâm lý chung mà bạn không nên có là giả định một phần nào đó không thể sai sót. Thay vào đó, bạn hãy nghĩ rằng bug có thể nằm bất kỳ ở đâu trong những phần có liên quan. Thế nên, đừng quên xem xét cẩn thận từng dòng code của bạn và sử dụng các công cụ gỡ lỗi phù hợp nhé!
3. Xóa dòng code có bug
Nhiều newbie trong lĩnh vực lập trình thường có suy nghĩ rằng họ có thể sửa chữa vấn đề thay vì xóa những dòng code có bug. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, bạn chỉ cần xóa hàm có bug là được. Mặc dù ,điều sau nghe có vẻ điên rồ. Tuy nhiên, trong lần code tới, bạn có thể thử loại bỏ hoàn toàn phần đó.
4. Tự fix bug
Trong trường hợp bạn muốn sửa chữa bug thay vì xóa code. Bạn có thể thử nhiều cách khác nhau. Tuy vậy, cách tốt nhất vẫn là tự mình fix bug bằng cách nghiên cứu những dòng code.
Suy cho cùng, “vật lộn” với bug vẫn là một trong những công việc thường nhật của Developer trong mỗi dự án. Hơn thế nữa, nhờ quá trình tự fix bug mà bạn sẽ nhận ra rằng bug không hề đáng sợ như bạn nghĩ. Ngoài ra, nhờ các kỹ năng fix bug mà khả năng phân tích các dòng code của bạn còn được cải thiện đáng kể.
5. Tìm sự giúp đỡ trực tuyến
Trong vài thập kỷ qua, Internet đã trở thành “siêu thư viện thông tin” - nơi mọi người có thể dễ dàng tìm thấy những thông tin mình cần. Chính vì thế, biết đâu bạn lại gặp may mắn khi bug của bạn đã được ai đó tìm ra cách sửa lỗi.
Tuy nhiên, khi sử dụng giải pháp này, bạn cần lưu ý mô tả chính xác những gì mình gặp phải để có thể nhận về những thông tin chính xác nhất. Mặt khác, có thể bạn sẽ phải thử nhiều cụm từ khác nhau trước tìm ra đáp án mong muốn. Thế nên, đừng nản lòng bạn nhé!
Bên cạnh đó, cũng có khá nhiều những diễn đàn cho từng loại ngôn ngữ lập trình. Bạn có thể tận dụng và thử tìm xem có ai đã từng gặp phải vấn đề tương tự như vậy chưa.
6. Nhờ sự trợ giúp của cộng đồng trực tuyến
Nếu bạn không thể tự fix bug hay đã thử tìm kiếm trên nhiều kênh nhưng vẫn không tìm được kết quả mong muốn, có lẽ đã đến lúc bạn cần nhờ sự giúp đỡ của những thành viên trên các diễn đàn trực tuyến. Đặt câu hỏi, mô tả vấn đề mình gặp phải và chờ đợi sự giúp đỡ của mọi người là những gì bạn cần làm. Và một trong những cộng đồng mà Developer khá quen thuộc khi họ cần tìm kiếm những lời khuyên trong quá trình code chính là Stack Overflow.
Cần lưu ý rằng bạn cũng cần biết cách đặt câu hỏi đúng cách nếu muốn nhận được những lời khuyên hữu ích. Nếu bạn gặp may, bạn có thể gặp một số người có thể trực tiếp đưa giải pháp. Tuy nhiên, bạn cũng cần dự phòng cho trường hợp những thành viên này chưa từng gặp bug tương tự. Trong trường hợp đó, những thành viên này có thể hỗ trợ bạn bằng việc tái hiện lại bug một cách chính xác. Sau đó, bạn chỉ cần tiến hành những bước tiếp theo để fix bug.
7. Tham khảo ý kiến của sếp
Nếu bạn từng đọc 8 dấu hiệu cho thấy bạn sinh ra để trở thành lập trình viên, bạn sẽ thấy rằng teamwork là một phần không thể thiếu trong công việc của Developer. Và trong quá trình làm việc nhóm, bạn cũng có thể hỏi sự giúp đỡ từ nhóm trường – người thường có kinh nghiệm và bao quát dự án hơn bạn, khi gặp bug khó.
Các Developer đều hiểu rằng, bug có thể là một lỗi cục bộ trong phần dự án của bạn hoặc cũng có thể liên quan đến những phần khác của dự án. Vậy nên, một người có cái nhìn bao quát về dự án sẽ dễ dàng đưa ra cho bạn những lời khuyên bổ ích.
8. Nhờ sự giúp đỡ của đồng nghiệp
Nếu bạn không thể hỏi sếp, bạn có thể mang vấn đề của mình ra thảo luận cùng đồng nghiệp. Biết đâu, đồng nghiệp của bạn đã gặp vấn đề tương tự và cũng đã tìm ra được cách fix bug.
Và cho dù chưa ai gặp bug tương tự, việc thảo luận cùng nhau sẽ dễ dàng tìm được giải pháp hơn là bạn cứ phải “vò đầu bứt tai” một mình. Suy cho cùng, “ba cây chụm lại nên hòn núi cao” mà.
9. Báo cáo bug với nhà phát hành
Nếu bug của bạn xuất phát từ một framework hay công cụ cụ thể, hãy báo cáo nó với nhà phát hành thông qua đội ngũ hỗ trợ của. Song song với giải pháp này, bạn cũng nên tìm thêm sự giúp đỡ từ những kênh khác bởi thường những kênh hỗ trợ này có tốc độ phản hồi khá chậm. Mặc khác, nhà phát hành có thể né tránh các vấn đề này nếu bug của bạn xuất phát từ sản phẩm của họ.
Tuy vậy, đứng trên tư cách là nhà phát hành và là người am hiểu sâu sắc nhất về sản phẩm, họ vẫn có thể đưa ra cho bạn những lời khuyên cùng giải pháp phù hợp nhất.
10. Ghi lại quá trình fix bug
Sau khi thử một vài tips trên và cuối cùng bug của bạn cũng đã được giải quyết. Đừng quên ghi lại quá trình sửa lỗi của bạn cùng những thông tin như: đó là bug gì? Tái hiện lại bug như thế nào? Làm thế nào để xác định được bug và vị trí của bug? Bản sửa lỗi? Cách khắc phục?... Những thông tin này sẽ là tài liệu tham khảo quan trọng trong quá trình phát triển sự nghiệp của bạn.
Kết luận:
Cuộc sống của lập trình viên là một quá trình vật lộn giữa code và bug. Vậy nên, thay vì “vò đầu bứt tóc” mỗi lần gặp bug, sao bạn không bình tĩnh lại và áp dụng những tips hay ho trên để quá trình fix bug hiệu quả và tiết kiệm thời gian hơn nhỉ?
Ngoài ra, Green Academy vẫn còn có nhiều chủ đề thú vị về ngành lập trình. Bạn nhớ đón xem những chủ đề tiếp theo trên website Green Academy nhé bạn!
New Paragraph